Trong hai ngày 18, 19/12/2010, vòng chung kết hội thi Tuổi trẻ làm theo lời Bác lần III năm 2010 đã diễn ra sôi nổi với sự tham đông đảo đoàn viên thanh niên khu vực công nhân lao động, trường học, địa bàn dân cư, đội viên và lực lượng vũ trang.

 Trong tổng số 151 sản phẩm, mô hình tham gia dự thi, ban tổ chức đã chọn ra 59 sản phẩm, mô hình tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết. Mỗi công trình tham gia dự thi là những bài học về tinh thần học tập và làm theo lời Bác được hấp thụ một cách sâu sắc mà mỗi đoàn viên cảm nhận được. 

Bài học về yêu thương: không bao giờ cũ!

Sinh ra và lớn lên không lành lặn như bao người khác, Huỳnh Thanh Thảo (xã Đoàn Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) từ nhỏ đã mang trong mình căn bệnh xương thủy tinh hiểm nghèo. Không đầu hàng số phận, cô bé Thanh Thảo nhỏ nhắn đã mày mò tự học để hoàn thiện ước mơ được biết đến con chữ. Không dừng lại ở đó, Thảo đã vận động bà con, hang xóm quyên góp sách giáo khoa, từng quyển truyện cũ để bạn thực hiện một thư viện mini cho trẻ em nghèo tha hồ đọc sách, báo. Bạn còn mở cả 1 lớp học tình thương để dạy học cho các bé từ lớp 1 đến lớp 3. Khi mới 14 tuổi, “cô giáo” Huỳnh Thanh Thảo với đôi chân không lành lặn đã ngày ngày rèn từng con chữ, dạy từng phép tính cho các em nhỏ ở lớp học tình thương. Thảo vui vẻ khoe về lớp học 8 em học sinh mà có tới 6 em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc cuối năm.

24 tuổi, Huỳnh Thanh Thảo (bìa phải) đã có 10 năm làm cô giáo trường làng - ảnh: TTO

Những học trò của Thảo quý mến người cô đặc biệt của mình đã không ngại đường xa theo cô dự thi. Trình bày phần thi của mình, Thảo không khỏi xúc động: “Sự thành công của em nếu không có sự chung tay góp sức của Đoàn thì nó đã không được như mong đợi. Em biết mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa để mọi người đến với mình không phải bằng lòng thương hại mà bằng sự sẻ chia và lắng nghe. Em luôn cố gắng nỗ lực để sống với một đời sống tàn nhưng không phế!”

Ở huyện Bình Chánh, có một mô hình đã giúp đỡ những người nghèo khó có thêm sự tự tin trong cuộc sống của mình. Đó là quỹ vì cộng đồng do đoàn viên thanh niên Chi Đoàn ấp 4 xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh thực hiện. Nhớ bài học hũ gạo cứu đói của Bác Hồ, đoàn viên Chi Đoàn ấp 4 vừa bỏ tiền túi, vừa vận động các mạnh thường quân của ít lòng nhiều giúp đỡ bà con nghèo. Từ tháng 8/2009 đến nay, Chi Đoàn quyên góp được 12 triệu đồng giúp đỡ các gia đình khó khăn. Các bạn còn tranh thủ bán hoa tươi nhân dịp 20/10, 8/3 để bổ sung vào nguồn quỹ.

Trên địa bàn quận 8, nhiều người dân biết đến Chuyến xe tri ân của đội hình thanh niên tình nguyện Ong xanh. Chuyến xe tri ân là hành động thiết thực của các bạn đoàn viên quận 8 khi xung phong làm “tài xế miễn phí” chở các mẹ Việt Nam anh hùng đến nhận lương và chở về một cách an toàn. Các bạn còn ghi cả số điện thoại “nóng” trên xe để khi có bệnh tật ốm đau, các mẹ có thể liên hệ nhờ giúp đỡ.

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, hiểu được lời dạy của Bác trong mỗi hoạt động, các bạn đoàn viên xã Đoàn Tân Kiên huyện Bình Chánh đã chọn một cách làm khác để cụ thể hóa lời dạy của Người. Công trình bêtông hóa đường vào nhà mẹ Việt Nam anh hùng là thành quả của một tập thể đoàn viên, thanh niên xã Đoàn Tân Kiên khi các bạn vận động được 28 triệu đồng làm đường. Công trình còn là sức lao động của 40 thanh niên và người dân cùng làm. Có bà con hiến đất để con đường có đủ bề rộng thuận tiện đi lại. Công trình đã nâng cao vai trò, sức ảnh hưởng của tổ chức Đoàn đối với thanh niên và người dân. 

Chiến sĩ làm theo lời Bác

Bên cạnh công tác giữ gìn trật tự xã hội, các chiến sĩ Đoàn Cảnh sát Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Đoàn Thanh niên Công an TP.HCM) lại có một nhiệm vụ khác thú vị và rất thiết thực. Đó là tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống bạo lực học đường tại các trường THCS, THPT.

Cứ vào giờ sinh hoạt dưới cờ, các em học sinh lại được các chiến sĩ công an PC45 hướng dẫn những bài học bổ ích về cách bảo vệ bản thân, cách tự phòng vệ, nghe hướng dẫn về pháp luật một cách trực quan sinh động. Do khối lượng kiến thức học trên lớp quá “nặng”, thầy cô nghiêng về những bài giảng trong sách giáo khoa, chưa quan tâm đến giáo dục kĩ năng sống cho học sinh nên kiểu “anh hùng rơm”, thói cô đồ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận học sinh.

Từ thực tiễn không hay đó, các chiến sĩ công an phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường xây dựng 9 nội dung tuyên truyền phù hợp với học sinh. Các anh ngồi xen kẽ để lắng nghe những tâm tư, thắc mắc của các em để giải đáp. Anh Phạm Ngọc Thăng cho biết: “Phải thân thiện, cố gắng gợi ý, trao đổi, giao lưu trực tiếp với các em để hiểu các em hơn, từ đó phổ biến kiến thức pháp luật cho các em”. Các chiến sĩ không ngại trao đổi về các chiêu thức phạm tội, phân tích những nguyên nhân và động cơ phạm tội, trang bị các “chiêu” tự vệ dành cho các bạn nữ và thậm chí cũng không ngại trao đổi về vấn đề…yêu sớm.

Nhờ vậy từ tháng 4/2007 đến nay, đội PC45 đã tuyên truyền cho hơn 25.500 học sinh, sinh viên. Trong tháng 12/2010, cả đội sẽ thực hiện cuốn cẩm nang “Giáo án tâm lí sợ hãi, ăn năn và ước muốn bình dị của trẻ tại các trại tạm giam”.

Mô hình Thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần nâng cao ý thức văn hóa giao thong của Chi đoàn Đội điều khiển tín hiệu giao thông - Ban Thanh niên Công An TP.HCM cũng nhận nhiều sự quan tâm của Ban giám khảo. Đây là mô hình thể hiện việc ứng dụng CNTT vào trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng thiết bị ghi hình trong công tác phát hiện và xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông, xây dựng hình ảnh đẹp của cảnh sát giao thông trong lòng dân.

Khép lại phần thi ngày 18/12, 19 sản phẩm công trình, tập thể cá nhân đã nhận được nhiều sự quan tâm của Ban giám khảo. Mỗi công trình khác nhau về cách thực hiện, về nội dung nhưng tựu chung lại chính là bài học về đức cần, kiệm, yêu thương con người,…Những bài học không bao giờ cũ! 

THIÊN THANH

Số lần xem trang: 2120
Điều chỉnh lần cuối:

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu ba tám chín bảy

Xem trả lời của bạn !